Tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ TP HCM hồi phục

tltnghi.sct
18/10/23
0
1063 lượt xem

Ngành công nghiệp TP HCM đã vượt qua giai đoạn suy giảm và đang có tín hiệu tích cực từ phía nguồn cung của nền kinh tế

Theo báo cáo của UBND TP HCM, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong 9 tháng năm 2023 đang trên đà hồi phục tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Sản xuất phục hồi

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2023 tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 17,7%; ngành cơ khí tăng 7%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,4%; ngành lương thực – thực phẩm và đồ uống giảm 5,7%.

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ như: bao bì đóng gói bằng plastic tăng 31,8%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,8%; sữa hoặc kem đặc có hoặc không có đường tăng 15,6%; tivi tăng 11,9%. Một số sản phẩm công nghiệp vẫn còn suy giảm như: xi măng giảm 21,6%; bia chai, lon giảm 20,7%; quần áo các loại trừ quần áo thể thao giảm 13,6%; sắt thép các loại giảm 12,6%…

Để đạt được kết quả trên, TP HCM đã nỗ lực tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sớm phục hồi, ổn định sản xuất – kinh doanh, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ TP HCM hồi phục - Ảnh 1.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TP HCM có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhiều hỗ trợ thiết thực

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từ tháng 7-2023, TP HCM đã ban hành quy chế chi hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ. Quy chế này quy định về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM và mức chi cụ thể cho các hoạt động của chương trình.

Trong đó, hỗ trợ 70% các khoản chi phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước với mức 12 triệu đồng/đơn vị tham gia. Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài là 150 triệu đồng/đơn vị tham gia. Hỗ trợ các DN quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/thương hiệu…

Ngoài phê duyệt kinh phí, trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã tổ chức 158 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất – kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua chuỗi các sự kiện xúc tiến giới thiệu thông tin thị trường; hội thảo, hội nghị, diễn đàn về thị trường – ngành hàng…

Thành phố cũng tổ chức 2 hội nghị lớn mang tầm quốc tế đó là Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 (SFS 2023) vào tháng 8 và chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế – Vietnam International Sourcing 2023”.

Tại các sự kiện lớn nêu trên, nhiều DN, tập đoàn lớn trên thế giới như Boeing, Walmart, Amazon, Panasonic, Techtronic Industries… đã gặp gỡ các nhà sản xuất Việt Nam, bày tỏ mong muốn tìm kiếm DN Việt tham gia chuỗi cung ứng.

Đánh giá về cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian tới, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM (thuộc Sở Công Thương), nhận định hiện nay, xu hướng đơn đặt hàng đang có nhiều thay đổi theo hướng đa chi tiết và giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, DN phải đầu tư tập trung cho những sản phẩm truyền thống, chiến lược, liên kết để tạo hệ sinh thái chung sản xuất những cụm sản phẩm hoặc sản phẩm đa chi tiết để có cơ hội gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: https://nld.com.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *