TP.HCM: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ

tltnghi.sct
17/04/24
0
1981 lượt xem

(LĐTĐ) Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Đây là định hướng của TP.HCM trong chiến lược phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2024-2025. Để phát triển lĩnh vực này, TP.HCM sẽ tập trung huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước.

TP.HCM: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
Một góc khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ lãi suất đầu tư; tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu…

Cùng với đó Thành phố sẽ hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như thực hiện quy hoạch phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp, thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu, hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II.

Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn cho biến động kinh tế toàn cầu, chồng chéo quy định thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện chính sách ưu đãi còn thiếu nhất quán, chưa ổn định. Riêng tại TP.HCM, chính sách đặc thù và tiêu biểu nhất là Chương trình kích cầu đầu tư, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ lãi vay của Thành phố chưa nhiều.

Quỹ đất của Thành phố dành cho sản xuất công nghiệp còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Hiện nay, đất trong các khu công nghiệp không thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa do đất được quy hoạch phân lô với diện tích lớn, giá thuê cao.

TP.HCM: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
TP.HCM sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Giai đoạn 2022-2023, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ nội địa hóa tính chung của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống đạt 55,2% và tỷ lệ nhập khẩu đạt 44,8%.

Thành phố đã hình thành và đi vào hoạt động 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp (KCN), đang lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phạm Văn Hai I và II, trong đó quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành điện – điện tử, cao su – nhựa, cơ khí tự động hóa sẽ tạo điều kiện cho Thành phố có nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc dự án công nghệ cao có quy mô lớn.

Thành phố cũng đã xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; đã khảo sát 4 mặt bằng nhà, đất để đề xuất mở rộng trung tâm trưng bày tại quận Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận.

Tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM năm 2022 với 85 sản phẩm của 49 doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nội dung phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *