Công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng hội nhập nhờ chuyển đổi số

tltnghi.sct
13/10/22
0
504 lượt xem

Với việc chủ động trong công tác chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang thích ứng với hội nhập, tăng tốc và phát triển. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cũng tin tưởng nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Mạnh mẽ vươn lên nhờ chuyển đổi số

Là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho hay, nếu việc xuất khẩu và tiếp cận khách hàng là công việc của marketing, truyền thông và công tác thương hiệu cần luôn được chú trọng thì chuyển đổi số đối với doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp đã được thực hiện theo từng giai đoạn nhất định.

Ngành CNHT của Việt Nam đang phát triển theo hướng hiện đại, hàm lượng công nghệ cao.
Ngành CNHT của Việt Nam đang phát triển theo hướng hiện đại, hàm lượng công nghệ cao

Đến năm 2022, công ty đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện. Tất cả các công việc đều được thao tác trên phần mềm. Từ làm đơn hàng, ra lệnh sản xuất, quản trị về tiến độ, quản trị chất lượng, chuyển lệnh sản xuất, luồng công việc chạy hết trên 1 nền tảng số chứ không còn phải đưa giấy tờ nên tránh được hầu hết các sự cố thất lạc hồ sơ.

“Vận hành trên nền tảng số, tất cả các dữ liệu được thống kê, việc đầy đủ dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định, cũng như chiến lược cho các giai đoạn tiếp theo một cách khoa học. Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng gia tăng, mọi thứ được kịp thời hơn. Việc bảo hành, bảo trì máy móc được kịp thời, chặt chẽ” – ông Hoàng Hữu Thắng chia sẻ.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in VietNam” đã được nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota,… tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.

Đề cao vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Huy Nguyễn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi khối Việt Nam, đồng sáng lập và Chủ tịch tại Kardia Chain cho biết, các nhà sản xuất lớn đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động.

Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thực hiện đạt 100% yêu cầu này, nhưng với từng giai đoạn cụ thể, hoàn toàn có thể làm được. Trong đó, yêu cầu đầu tiên chính là công nghệ, cụ thể là bắt đầu từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số

Mới đây, tại hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” tổ chức sáng 5.10.2022, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đó mới là điều quan trọng và là mấu chốt. Và có thể khẳng định, đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát…, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp đó là con người vận hành trong hệ thống chuyển đổi này. Muốn chuyển đổi số thành công cần tối ưu hóa hệ thống, quy trình, quy định, biểu mẫu, dòng chảy công việc trong doanh nghiệp bằng bản cứng (bản giấy) trước; xây dựng các hệ thống về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về kiểm tra, kiểm soát hoặc những hệ thống về báo cáo trước khi mềm hóa lại.

Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số đã có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ này còn nhiều vướng mắc. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, để nhận được các gói hỗ trợ từ Nhà nước, đôi khi doanh nghiệp mất chi phí nhiều hơn cả giá trị mà họ nhận được. Bên cạnh đó, nguồn thông tin để tiếp cận những gói hỗ trợ cũng chưa đến được với doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Ngô Khải Hoàn cho biết, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Cục Công nghiệp cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *