Thay đổi tư duy, bắt nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu

tltnghi.sct
29/07/22
0
504 lượt xem

TP – Mạnh dạn thay đổi tư duy, nâng cấp trình độ kỹ thuật, đầu tư công nghệ… để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đối tác ngoại đã tạo tiền đề, cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt bắt nhịp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vượt qua giới hạn

Đưa chúng tôi tham quan nhà máy sản xuất tại Long An rộng cả ngàn mét vuông, bên trong công nhân khẩn trương làm hàng theo từng khu vực, bà Phạm Thị Hà Liên, Tổng giám đốc Công ty CP SXTM Liên Vinh (Livico) cho biết, đơn vị dành hẳn một khu vực để làm hàng riêng cho đối tác ngoại là TTi và LCT. “Mặc dù chúng tôi đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe máy, xe đạp… cung cấp cho các DN trong nước nhưng vẫn chưa trực tiếp làm hàng cho các tập đoàn lớn của nước ngoài. Vì vậy, khi được họ đặt hàng, chúng tôi cũng có nhiều lo lắng vì lo ngại không đáp ứng được. Tuy nhiên qua những đơn hàng đầu tiên, khách rất hài lòng và ký hợp đồng dài hạn, giúp mình càng có thêm tự tin và động lực” – bà Liên chia sẻ.

Thoạt nghe có vẻ dễ dàng, nhưng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN này phải thay đổi tư duy, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đồng thời đáp ứng đủ các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của đối tác chứ không phải “mình có gì dùng nấy”. Theo bà Liên, đầu năm 2021, Livico được Bộ Công Thương chọn là một trong những DN cải tiến năng suất chất lượng. Sau chương trình, DN được Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CSID) của Sở Công Thương TPHCM kết nối, giới thiệu với DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) để cung cấp sản phẩm cho đơn vị là TTi và LCT. “Chúng tôi đầu tư 3 tỷ đồng để lắp dây chuyền chỉ để sản xuất đơn hàng riêng cho DN FDI, cải tiến lại toàn bộ nhà máy đạt ISO 9001… Hiện, chúng tôi đang hoàn thành đơn hàng 45.000 linh kiện động cơ máy nổ cho LCT trong quý 4/2022. LCT cũng ký hợp đồng trong năm 2023 với 130.000 sản phẩm. Tập đoàn TTi đặt đơn hàng 30.000 sản phẩm/tháng nhưng nhân lực công ty chỉ mới đáp ứng được 5.000 sản phẩm/tháng. Chúng tôi vẫn không ngừng nâng cao năng suất để đáp ứng yêu cầu đơn hàng” – bà Liên nói.

Thay đổi tư duy, bắt nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1
Cty CNS Amura Precision liên tục đổi mới công nghệ khi thực hiện đơn hàng cho DN FDI

Tại Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu công nghệ cao TP Thủ Đức) chuyên sản xuất khuôn, máy lọc khí, sản phẩm hỗ trợ ngành điện tử….; thời gian này, các dây chuyền đều vận hàng hết công suất để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác lớn. Ông Trần Thanh Lãm, Tổng giám đốc công ty cho biết, dù gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng doanh thu vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả khả quan mà CNS Amura Precision đạt được là nhờ công ty đã đẩy mạnh mảng thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác cao.

Thay đổi tư duy, bắt nhịp chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 2
Nhờ được kết nối với DN FDI, Cty Liên Vinh đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: U.P

Năm 2019, Công ty Vĩ Nam Việt (Vinavit) là một trong số ít các DN vượt qua vòng đánh giá năng lực của Samsung Việt Nam, được Tập đoàn này đưa chuyên gia Hàn Quốc đến nhà máy hỗ trợ DN cải tiến về kỹ thuật và đào tạo… Sau đó, Vinavit tự cải tiến, dần dần đáp ứng được yêu cầu của Samsung và trở thành nhà cung cấp ốc vít của họ từ năm 2019. “Ban đầu, chúng tôi chỉ làm ốc vít, nhưng khi đã có kinh nghiệm thì chúng tôi nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm khác tương thích với sự đa dạng sản phẩm của các DN FDI. Bây giờ ngoài ốc vít, Vinavit sản xuất thêm bát đỡ (pass), tạo thành một bộ linh kiện cho Samsung, Toshiba và TTi” – ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Vinavit nói.

Cần thêm bệ đỡ

Được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là mong muốn của rất nhiều DN ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu của DN FDI. Nhiều DN trong ngành cho rằng, họ đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ nhà cung ứng nước ngoài dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Những DN này vốn có lợi thế hơn về nội lực vốn, công nghệ sản xuất và sản phẩm cung ứng. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của DN trong nước.

Chia sẻ với báo Tiền Phong ngày 25/7, ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc CSID thừa nhận, DN ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều rào cản như thiếu vốn, công nghệ sản xuất, đơn hàng, thị trường, nguồn nhân lực… Để hỗ trợ DN, CSID đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng hiệu quả sản xuất thông qua các chương trình tư vấn cải tiến trực tiếp tại nhà máy; kết nối cung cầu giữa DN FDI và các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó nổi bật là chương trình Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ được tổ chức hằng năm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để DN đầu tư máy móc, dây chuyền mới sản xuất các sản phẩm có giá trị cao…

Theo ông Vượng, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng xảy ra trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng; trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến được xem xét.

Nguồn: https://tienphong.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *