Sản xuất công nghiệp gặp khó

tltnghi.sct
01/02/23
0
351 lượt xem

Số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm khiến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) sụt giảm mạnh ở mức gần 15% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Sụt giảm mạnh ở các “trung tâm công nghiệp”

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, IIP tháng 1.2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá mạnh. Nguyên nhân bởi Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn 8 – 10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng cũng đã giảm, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trong tháng.

Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo trong tháng 1 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9% làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4% làm giảm 0,3 điểm phần trăm. Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Ở cấp địa phương, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 1 giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước, chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện. Các địa phương có mức giảm lớn là Vĩnh Phúc 28,7%; Vĩnh Long 22,8%; TP. Hồ Chí Minh 21,4%; Đồng Nai 15,7%; Bình Dương 17,4%; Hà Nội 23,2%; Bà Rịa – Vũng Tàu 13,8%; Hải Dương 20,2%…  Đây đều là các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, làm ảnh hưởng đến chỉ số IIP của toàn nền kinh tế.

Do nghỉ Tết kéo dài trong tháng 1, tháng 2 nên việc so sánh chỉ số so với cùng kỳ không phản ánh được xu hướng chung trên thực tế. Dù vậy, việc sụt giảm mạnh chỉ số IIP lần này phản ánh một rủi ro lớn của nền kinh tế rất đáng lưu tâm, ít nhất trong những tháng đầu năm, khi đơn hàng sụt giảm cả về quy mô lẫn số lượng.

Sự sụt giảm này không phải mới xuất hiện, mà từ quý IV năm ngoái, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang xác nhận. Ông Giang dự kiến, mức giảm này kéo dài sang quý I năm nay, vào khoảng 25 – 27% do sức mua của toàn cầu giảm.  Nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ nhận đơn hàng bằng 70 – 80% năng lực sản xuất.

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I.2023 do Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy, chỉ 31,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ tốt hơn quý IV.2022; 37,3% doanh nghiệp cho rằng giữ ổn định và 31,2% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn.

Sụt giảm đơn hàng là rủi ro lớn đối với sản xuất công nghiệp, ít nhất là trong những tháng đầu năm nay. Ảnh ITN
Sụt giảm đơn hàng là rủi ro lớn đối với sản xuất công nghiệp, ít nhất là trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: ITN

Đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp tích cực với trên 25% GDP năm 2022 và chiếm tới 89% trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của cả nước. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp trong ngành vẫn rất lớn và cần có những giải pháp, ở cả phía doanh nghiệp lẫn phía Nhà nước.

Kinh nghiệm trong các năm trước khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 cho thấy, sự linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường, quan tâm tới thị trường nội địa, đẩy mạnh quản trị số trong hoạt động sẽ là chìa khóa quan trọng.

Giải pháp nữa là cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, qua đó bảo đảm chủ động nguồn cung ứng, gia tăng giá trị sản phẩm; chú trọng đầu tư các khu công nghiệp hỗ trợ. Dự báo tiếp cận vốn tiếp tục là khó khăn nổi cộm trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp, do đó cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc giảm hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn. Bên cạnh đó, cần tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, gỗ… được hưởng lãi suất ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động, đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Hiện, Bộ Công thương xác định trong năm 2023 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, gồm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất; ưu tiên bảo đảm nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án công nghiệp có vai trò quan trọng vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất…

Bộ cũng đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022; đồng thời nỗ lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thép, ngành sữa, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da – giày… Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên sẽ tạo đà cho ngành sản xuất công nghiệp trong nước trụ vững và phát triển.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *