Thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ

tltnghi.sct
29/09/22
0
363 lượt xem

Tính đến 20.3.2022, Việt Nam đã thu hút được tổng số vốn đăng ký 422,84 tỷ USD từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng năng lực để tham gia vẫn là bài toán nhiều năm nay chưa thể tháo gỡ.

Gặp khó về nguồn vốn

Hiện nay, các ngành công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô tô… đang thiếu nguồn nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện trong nước để sản xuất. Các doanh nghiệp phải nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, khối lượng linh kiện, phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD, riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng từ 35 – 50 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp tại Việt Nam đang tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ -0
Còn nhiều khó khăn bất cập cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp.

Có thể thấy, hiện rất ít doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này, hoặc nếu đầu tư thì phần lớn không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp là bất cập chung của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, bởi chi phí sản xuất linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian trong những sản phẩm thuộc ngành sản xuất máy móc chiếm tới 80% giá thành, trong khi chi phí lao động chỉ chiếm từ 5 – 10%. Do đó, khả năng nội địa hóa có tính chất quyết định đến kiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, vấn đề về nguồn vốn là rất quan trọng, cần đủ mạnh, đúng với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể hỗ trợ tài chính, kéo dài thời gian cho vay, cũng như những điều kiện về thế chấp tài sản đủ, đúng theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào nước ta ngày càng mạnh, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất ngày càng trở nên cấp thiết. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Những số liệu từ đầu năm cho thấy công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Điều đó cũng cho thấy, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhận thấy được tiềm năng đó, không chỉ từ phía doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan đầu chuỗi hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ -0
Nâng cao năng lực cạnh tranh để hướng tới phát triển bền vững

Đại diện Công ty TNHH Quốc tế Smart Way Phạm Thị Linh chia sẻ: “Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có nhiều bước tiến vượt bậc nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng như các Tổ chức phi Chính phủ. Với các chương trình này, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có khả năng đa dạng về năng lực công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững”. Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế tạo máy IDEA Holdings Đỗ Hoàng Trung khẳng định: “Việc Chính phủ đầu tư mạnh vào công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Đây là sức sống, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung”.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam… Tuy nhiên, về dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, giày da, chế biến thực phẩm…; đồng thời tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *