Soi chiếu “bức tranh” công nghiệp hỗ trợ

tltnghi.sct
22/08/22
0
401 lượt xem

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là một trong những giải pháp để giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng đóng góp tích cực bảo vệ an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ doanh nghiệp ngành này chưa “ráo mồ hôi đã hết tiền” vì CNHT hiện nay chỉ làm gia công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với VCCI. Ảnh: Gia Thoả
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với VCCI. Ảnh: Gia Thoả

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam chia sẻ tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội với VCCI.

Theo ông Nguyễn Hoàng, từ số liệu CNHT nếu so sánh Việt Nam với các cường quốc trên thế giới thì cũng rất “vô cùng”. Chỉ cần nhìn ngay trong nội khối ASEAN như Thái Lan cũng sẽ nhận thấy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang ở “đâu đó” khoảng 20%. Trong khi Thái Lan đã nội địa hoá được 80%. Đây là một thách thức vô cùng lớn trong việc Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các ngành, như điện tư, ô tô, chế tạo…

Hàng năm, thị phần của Việt Nam phải nhập hàng trăm tỷ USD linh, phụ kiện của nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp và sản xuất các sản phẩm cung ứng ra thế giới và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Đánh giá về chính sách CNHT của nhà nước, ông Hoàng cho biết trong các nhiệm kỳ trước cũng đã được quan tâm. Trong đó, đã cho ra đời một số chính sách, như Nghị định 111 về CNHT và một số Thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, tại nhiệm kỳ này Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm đưa ra chính sách hỗ trợ thúc đẩy CNHT.

Tuy nhiên, những chính sách hiện có lại chưa đi vào được đời sống của doanh nghiệp, cũng như cộng đồng doanh nghiệp CNHT. “Bức tranh” nhìn thấy lúc này là “đếm trên đầu ngón tay” doanh nghiệp CNHT Việt Nam được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của nhà nước đưa ra.

“Từ đó dẫn đến doanh nghiệp CNHT đã khó lại càng khó hơn. Và câu hỏi đặt ra, doanh nghiệp CNHT đã chủ động được gì trước những tranh luận câu chuyện “quả trứng và con gà”. Đó là, doanh nghiệp thì “đòi” chính sách hoặc hỏi có chưa? Còn nhà nước trả lời có rồi tại sao chưa làm?”, ông Hoàng bày tỏ.

Nhưng ông Hoàng khẳng định, không thể phủ nhận thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp CNHT cũng đã hết sức cố gắng chủ động làm được một số việc.

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp CNHT đã thành lập Hiệp hội CNHT Việt Nam, ra đời được 6 năm. Còn Hiệp hội CNHT Hà Nội ra đời được 2 nhiệm kỳ.

Việc ra đời Hiệp hội là để cùng nhau tìm ra những khó khăn của nội tại, từ đó tìm cách kết nối và vượt qua thách thức, khó khăn và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các chính sách nhằm có được nền tảng phát triển.

Thứ hai, một số doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã trở thành “nhà vệ tinh” cấp 1, cấp 2 cho một số tập đoàn đang có mặt tại Việt Nam, như Samsung, Toyota, Honda, Ford… Và cũng đã tự chủ động sản xuất, xuất khẩu được một số sản phẩm linh kiện, thành phẩm xuất khẩu đi nước ngoài.

“Điều này là minh chứng cho con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải không làm được những điều mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới đã làm”, ông Hoàng nói.

Thứ ba, doanh nghiệp CNHT đã đầu tư xây dựng học viện đào tạo hướng nghiệp ngành CNHT nhằm tiếp cận tất cả những lao động cuối kỳ của các trường cao đẳng nghề, đại học, công nhân kỹ thuật… để cùng với các quản đốc phân xưởng là chuyên gia nước ngoài hay các giám đốc sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam đào tạo sau đó đưa vào sản xuất.

Thứ tư, doanh nghiệp CNHT cũng chủ động theo định hướng của Đảng và Nhà nước là phải “cùng nắm thắt lưng bạn mà tiến”. Bạn mà các doanh nghiệp CNHT chọn là Nhật Bản. Doanh nghiệp CNHT đã kết nối được với doanh nghiệp Nhật Bản và thành lập công ty tư vấn, đầu tư, phát triển CNHT Việt Nam – Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam.

Công ty tư vấn này có nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia các hoạt động với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau sản xuất, chuyển giao công nghệ…

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam. Ảnh: Gia Thoả
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam. Ảnh: Gia Thoả

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng chia sẻ về những khó khăn, hạn chế của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Một là, chứng chỉ sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề này đã “hoá giải” được, nhưng chứng chỉ này sẽ phải có chuẩn mực của nhà nước quy định thế nào? Sự kết nối của nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản hay các tập đoàn FDI ở Việt Nam ra sao? Đây là câu chuyện cần có sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước.

Hai là, vốn và tài chính. Doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong việc tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp CNHT. Cụ thể, bất cập rất lớn liên quan đến Toyota khi yêu cầu, cần doanh nghiệp CNHT Việt Nam sản xuất 24 tháng thực hiện, và thêm 12 tháng hiệu chỉnh. Đến lúc này doanh nghiệp mới lấy được tiền. Trong khi đó, ngân hàng của Việt Nam 6 tháng thu lãi theo quy tắc “sáng gieo, chiều gặt”, không có chuyện cho doanh nghiệp sau 36 tháng hay 5 năm mới trả cả gốc lẫn lãi. Đây là một vấn đề rất bất cập.

Ba là, lao động. Lao động và đào tạo lao động của Việt Nam trong ngành CNHT đang có “vấn đề”. Công nhân Việt Nam được đào tạo trong tất cả các trường, sau khi ra đi làm đều như những “tờ giấy trắng”.

Bốn là, kết nối đầu ra với các tập đoàn FDI lớn đang có mặt tại Việt Nam. Vấn đề này đúng ra phải xử lý ngay từ thời điểm đổi mới thu hút đầu tư năm 1986. Chúng ta thấy các “ông lớn” vào tưởng họ cho cái gì “ghê gớm”. Nhưng thực ra phải ràng buộc “họ được cái gì thì ta cũng phải có cái gì”.

Do đó, thời gian tới việc kết nối đầu ra, khuyến khích và ràng buộc các doanh nghiệp FDI đối với các doanh nghiệp của Việt Nam là vấn đề rất cần được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm để có được một chính sách kết hợp giữa các “ông lớn” với doanh nghiệp trong nước.

Năm là, hạ tầng đất đai, tiêu chuẩn cho ngành CNHT. “Tôi muốn nhấn mạnh, tiêu chuẩn cho ngành CNHT là một tiêu chuẩn mang tính chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây không phải là khu công nghiệp, nên không thể xếp doanh nghiệp CNHT sản xuất sản phẩm cho Toyota nằm cạnh doanh nghiệp sản xuất gỗ hay sản xuất nước ngọt, mà phải theo chuỗi. Do đó, tôi đề nghị cần quan tâm vấn đề này”, ông Hoàng nói.

Sáu là, tiếp cận công nghệ mới, thủ tục nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng cũng là một thách thức. Hiện nay, Quốc hội và các bộ, ngành đang chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn tới bị vướng trong dịch chuyển máy móc thiết bị mới hoặc các thiết bị đang sản xuất, như Nhật Bản muốn dịch chuyển từ nước thứ 3 sang Việt Nam nhưng lại vướng thủ tục của Việt Nam về đánh giá.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *