Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, theo các chuyên gia, song song với việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có chính sách thúc đẩy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu đàn, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đi đúng hướng trên chặng đường hội nhập.
Nhiều dấu ấn tích cực
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp; tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Đặc biệt, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.
Ngoài ra, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực được ưu tiên; tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Nhờ đó mà Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn. Theo ông Choi Joo Ho, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng từ sau dịch Covid-19, Việt Nam đang có một số lợi thế, bao gồm sự nỗ lực trong thu hút FDI và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ với nền kinh tế năng động; thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng; nhân lực trẻ, dồi dào.
Theo ông Choi Joo Ho, việc cần thiết của Việt Nam hiện nay chính là mở rộng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và cần phải có những nỗ lực trung, dài hạn trong tương lai với sự kết hợp giúp sức của Chính phủ Việt Nam và các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Điển hình như việc Samsung đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình. Tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp nội địa Việt Nam của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó có 52 doanh nghiệp cấp 1. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014.
Cần doanh nghiệp mạnh dẫn dắt thị trường
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, nội lực của ngành công nghiệp nước ta còn hạn chế. Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Ngoài ra, trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm, còn thiếu nguồn vốn đầu tư.
Khẳng định nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhưng còn tương đối yếu. Hiện có rất nhiều tập đoàn lớn, khách hàng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm nguồn cung các thiết bị phụ tùng, chip điện tử… Thấy được nhu cầu đó nên các doanh nghiệp Việt Nam đang mạnh dạn đầu tư, nhưng vì là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực tài chính bị hạn chế. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm cũng như tính bền vững của những hợp đồng thương mại.
Theo đó, nếu xét về mặt trình độ kỹ thuật thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bảo đảm nhưng về công nghệ mới thì cần phải đầu tư và cần có những doanh nghiệp lớn, có đủ công nghệ để chuyển giao cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, từ đó hợp tác cùng phát triển thông qua các hiệp hội, diễn đàn thương mại.
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đã đề cập tới chính sách đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn. Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần có những con sếu đầu đàn dẫn dắt; để đàn sếu bay xa, bay nhanh và bay đúng hướng, cần có chính sách đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực có tính nền tảng, then chốt như lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, máy móc thiết bị… giúp định hình thị trường, tái cấu trúc ngành, kéo theo các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi liên kết mang thương hiệu Việt.
Doanh nghiệp Việt cũng rất cần các chính sách để khơi dậy sức mạnh nội lực, đủ khả năng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng, kết nối với khối FDI, qua đó thúc đẩy kỹ năng quản trị, nhận chuyển giao công nghệ, hình thành chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, tạo cụm liên kết ngành cân bằng giữa các thành phần kinh tế.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/
Bài viết liên quan
Phát động Giải thưởng “Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ tư năm 2023
Sáng 22/9, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Kinh tế...
Th9
Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ
Thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực...
Th9
Lễ Phát động Giải thưởng “Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh 2023”
Sở Công Thương phối hợp Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Tọa đàm...
Th9
Củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Việt Nam cần củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường...
Th8
Tăng hiệu quả kết nối công nghiệp hỗ trợ
Trở về từ hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm...
Th8
Kết nối cơ hội cho các DN CNHT Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
(Chinhphu.vn) – 20 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối...
Th8