Làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ từ Trung Quốc, làm cực nhanh, quy mô cực lớn

tltnghi.sct
21/12/23
0
2549 lượt xem

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết như trên. Trong khi các doanh nghiệp ngành công nghiệp cho rằng đang bị cạnh tranh gay gắt, doanh thu giảm mạnh nên cần có chính sách hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ.

Ông Phan Đăng Tuất chỉ ra hai nút thắt lớn trong sản xuất công nghiệp - Ảnh: N.KH.
Ông Phan Đăng Tuất chỉ ra hai nút thắt lớn trong sản xuất công nghiệp – Ảnh: N.KH.

Ngày 20-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Đăng Tuất – chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – cho biết công nghiệp hỗ trợ là hạt nhân của công nghiệp chế tạo.

Doanh thu công nghiệp phụ trợ giảm tới 40%

Ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”.

Ông dẫn chứng, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu diễn ra.

Các khu công nghiệp lo thiếu điện sản xuất, chủ tịch EVN nêu giải pháp

Đáng lo ngại hơn, có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan.

“Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ” – ông Tuất chỉ ra hai nút thắt lớn, đó là việc doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất ở mức 10-12% trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nước khác vay vốn chỉ 2% lãi suất.

Về vật tư, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên phải mua nhỏ lẻ với giá cao, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường mua vật tư với số lượng lớn nên có giá thấp.

“Riêng vay vốn của chúng ta đã gấp 4-5 lần và vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 lần thì ít có cơ hội để cạnh tranh” – ông Tuất bày tỏ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài – tổng giám đốc Thaco – cho biết năm 2023, doanh số ô tô bán ra hơn 96.500 xe các loại, giảm 25%. Xuất khẩu hơn 2.500 xe, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD.

Với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, doanh thu ước đạt gần 8.700 tỉ đồng, giảm 20% so với năm 2022, do dung lượng thị trường ô tô Việt Nam giảm gần 30% sản lượng. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022.

Đề xuất có luật riêng cho phát triển công nghiệp

Kết quả chung, doanh thu hợp nhất của Thaco ước đạt 70.500 tỉ đồng và xuất khẩu đạt 268 triệu USD. Theo ông Tài, chiến lược của Thaco là tiến đến tự cân đối ngoại tệ trong nhập khẩu linh kiện ô tô và xuất khẩu. Mục tiêu năm 2024, tập đoàn dự kiến đạt 112.500 xe các loại, xuất khẩu hơn 2.600 xe, doanh thu xuất khẩu hơn 27,8 triệu USD.

Ông Phạm Văn Tài cho biết lĩnh vực kinh doanh ô tô và ngành sản xuất công nghiệp cơ khí đều có doanh thu giảm - Ảnh: N.KH.

Ông Phạm Văn Tài cho biết lĩnh vực kinh doanh ô tô và ngành sản xuất công nghiệp cơ khí đều có doanh thu giảm – Ảnh: N.KH.

Để hỗ trợ cho ngành vượt qua khó khăn và đạt các mục tiêu, ông Tài kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung các dòng xe điện hybrid (HEV, PHEV), có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp (thuế, phí, ưu đãi đầu tư) để thúc đẩy sản xuất và sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường.

Đồng thời, ông mong muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, đề xuất Luật công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật. Mục tiêu để tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Cùng quan điểm, ông Tuất cũng kiến nghị cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược, có suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, toàn diện về phát triển.

Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Trong bối cảnh thị trường suy giảm, ông Tuất kiến nghị thêm là đẩy mạnh kênh xúc tiến để doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng sản xuất với châu Âu và Bắc Mỹ. Có chính sách để tạo sự liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất cụm chi tiết, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: https://tuoitre.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *