Không để tuột thời cơ chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

tltnghi.sct
17/02/23
0
613 lượt xem

Tác động của xung đột địa chính trị, dịch bệnh trên thế giới… được đánh giá là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt vẫn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội, thể hiện qua tỷ lệ mua hàng của khối ngoại với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa còn khiêm tốn.

Vừa qua, Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) cho biết có đến 60% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy vậy, thông tin đáng chú ý hơn cả là trong kết quả khảo sát của tổ chức này cho thấy tỷ lệ thu mua tại chỗ, nội địa hóa của DN Nhật Bản thực hiện tại Việt Nam là 37,3%, trong đó thu mua từ DN Việt Nam là 15% – tỷ lệ được đánh giá rất thấp.

Vì sao hàng nội địa chưa đắt khách?

Theo Jetro, nguyên nhân khiến tỷ lệ thu mua nội địa từ DN Việt Nam còn thấp là do chất lượng hàng hóa được cung ứng từ DN Việt Nam không đáp ứng yêu cầu, chất lượng không cao.

Chất lượng và giá đang là yếu tố khiến sản phẩm linh phụ kiện của DN Việt khó cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng Văn phòng Jetro Việt Nam tại TP.HCM thẳng thắn: Việt Nam đã không tận dụng thành công quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong đại dịch. Chất lượng sản phẩm cung ứng của DN Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của DN Nhật Bản nên vẫn khó chen chân vào chuỗi cung ứng.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), 5 năm trở lại đây, từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung căng thẳng, đến những tác động của dịch COVID-19, chiến sự Nga – Ukraine… đã có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, trong đó nhiều nhà mua hàng toàn cầu tìm kiếm các DN cung cấp đến từ Việt Nam. Khối lượng đơn hàng lớn cũng đi kèm với yêu cầu chất lượng khắt khe hơn.

Tuy vậy, điểm yếu của các nhà cung cấp nội địa là chủ yếu vẫn làm linh phụ kiện đơn chiếc, linh kiện rời cho các ngành; chưa tham gia vào phân khúc cao hơn, phức tạp hơn như cụm linh kiện, sản phẩm hoàn chỉnh.

Hơn nữa, vấn đề sản lượng cũng đang là vướng mắc. Nếu sản lượng đủ, DN sẵn sàng đầu tư, hoàn thiện chất lượng để đáp ứng yêu cầu. Thực tế, Việt Nam cũng có những DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tốt, sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu nhưng sản lượng quá thấp nên họ quyết định đứng ngoài chuỗi cung ứng, đi tìm kiếm những cơ hội khác.

Mặt khác, bà Bình cho rằng khi đã có sản lượng đủ, DN cũng phải giải quyết tốt câu chuyện giá cả cạnh tranh. Đây tiếp tục là khó khăn không dễ giải quyết của DN do chuỗi sản xuất còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu…

Trước những thách thức trên, VASI đang hỗ trợ DN bằng cách hình thành nhóm DN cùng lĩnh vực đáp ứng đơn hàng dịch chuyển với khối lượng lớn. Đơn cử, xây dựng các nhóm DN theo lĩnh vực như chuyên sản xuất khuôn, nhựa hoặc kim loại. Đồng thời, Hiệp hội cũng đang xây dựng các nhóm DN đi đầu trong việc sản xuất cụm linh kiện, sản phẩm xuất khẩu trực tiếp cho nhà mua hàng toàn cầu.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào mảng chế biến chế tạo và năng lượng tái tạo. Đây là những linh vực tiềm năng, đưa DN phụ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Bình cho biết.

Hãy nhìn vào phân khúc tiềm năng

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp DN Việt có khả năng phục hồi tốt hơn trước những cú sốc từ bên ngoài. Khảo sát CEO của KPMG (tháng 8/2022) chỉ ra những rủi ro khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu gắn với phát triển bền vững, trong đó chi phí cao hơn và khó khăn trong việc huy động tài chính (25%), đối thủ cạnh tranh giành lợi thế (21%) và mất khách hàng (5%).

Theo đó, Việt Nam mong muốn được hợp tác với Nhật Bản cũng như các quốc gia phát triển để thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon/ít phát thải. Phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuỗi giá trị ngành điện tử, hiện thực hóa các dự án trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trong khi đó, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Khu Công nghiệp Deep C, cho rằng Việt Nam không cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành công xưởng toàn cầu. Thay vào đó, Việt Nam cần tìm ra lối đi riêng, công thức riêng để thành công. Lời giải cho công thức riêng này cũng phần nào được nhìn ra từ câu chuyện về quyết định xây dựng nhà máy không phát thải của Lego tại Bình Dương. Đó là tập trung vào phát triển bền vững và thúc đẩy các yếu tố về ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong thu hút đầu tư.

“Việt Nam có nhiều lợi thế để thực hiện công thức này, với một ngành sản xuất vẫn chưa được định hình hoàn chỉnh. Việt Nam có thể đưa yếu tố bền vững vào thiết lập chuỗi cung ứng dễ dàng hơn và tiêu tốn ít chi phí hơn so với Trung Quốc, với một hệ sinh thái sản xuất toàn diện”, ông Bruno Jaspaert khuyến nghị.

Trên thực tế, phát triển xanh gắn với giảm phát thải đang là hướng đi mà các tập đoàn đa quốc gia hướng đến, nếu đi tiên phong chắc chắn DN CNHT nội địa sẽ có cơ hội tốt. Lãnh đạo Tập đoàn Airbus cho biết bên cạnh việc mở rộng văn phòng tại Việt Nam, công ty đã thiết lập một hệ sinh thái cung ứng vững chắc, nơi các đối tác như Artus (Meggitt) Việt Nam và Nikkiso Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất và cung cấp linh kiện máy bay.

Hiện, Airbus đang phát triển các dòng máy bay tiết kiệm năng lượng, hướng tới bảo vệ môi trường, do vậy, công ty cũng đang tìm kiếm các DN CNHT đáp ứng được yêu cầu tham gia các chuỗi sản xuất như trên.

Ông Andrew Jeffries

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

Thực tế là các DN nước ngoài vẫn đang phải nhập khẩu nhiều nguyên linh kiện từ bên ngoài, vì vậy chúng ta cần phải thúc đẩy ngành CNHT trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của khối ngoại. Làm sao, DN tư nhân trong nước sớm trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn, khi đó thu hút FDI mới hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Hiệp hội DN điện tử Việt Nam

Để không bỏ lỡ cơ hội, thông qua Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội đã hỗ trợ kết nối khá thành công DN điện tử Việt Nam với đối tác nước ngoài trong việc thiết lập chuỗi cung ứng. Chúng tôi không chỉ tìm kiếm DN đơn lẻ mà tìm theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ kho hàng, logistics, bao bì, đóng gói, linh kiện điện tử. Bên cạnh đó, các DN cũng đang đẩy mạnh việc gia nhập được chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, đây là cơ hội rất lớn khi gần đây nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất. Năm 2022, hãng Boeing đã tổ chức hội nghị hàng không lớn tại Việt Nam với mong muốn thiết lập một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái sản xuất của Boeing Việt Nam.

Ông Alain Cany

Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam

COVID-19 đã khiến chúng tôi hiểu ra nhiều điều, nhất là khi Trung Quốc hiện nay đang chiếm phần lớn hoạt động sản xuất của toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự đứt gãy nào cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các DN nước ngoài. Đó là lý do các DN phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tất nhiên đi kèm với đó là DN Việt Nam cần thay đổi thói quen vận hành hướng tới cách thức quản trị hiện đại hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi khách hàng ở phương Tây và cả Việt Nam ngày càng trở nên khắt khe hơn đối với vấn đề chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất.

Nguồn: https://vnbusiness.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *