Hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ

tltnghi.sct
13/09/22
0
476 lượt xem

Nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cùng kết nối, gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội thỏa mãn nhu cầu tìm nhà cung cấp linh phụ kiện nhằm đẩy mạnh nội địa hóa, giảm thiểu ảnh hưởng của những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện nhà mua hàng và doanh nghiệp cung ứng trao đổi tại sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022.
Đại diện nhà mua hàng và doanh nghiệp cung ứng trao đổi tại sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ngành công nghiệp thế mạnh như: Lắp ráp ô-tô, điện tử, cơ khí, dệt may… Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện của thành phố vẫn rất khiêm tốn, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào các nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” vốn vào sản xuất công nghiệp, thành phố cần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ mới tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ năm 2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Công thương chủ trì tổ chức “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ­-Sourcing Fair Supporting Industries”.

Trong các ngày 8 và 9/9, hội nghị lần thứ 5 năm 2022 được tổ chức với sự tham gia của 20 doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối, trong đó có các tên tuổi lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTI), Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH BOSCH Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Công ty Platinum…

Các doanh nghiệp này đang có nhu cầu tìm nhà cung cấp cho danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện. Tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022, các nhà mua hàng thực hiện khoảng 300 cuộc kết nối với 120 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam để tìm hiểu năng lực, điều kiện hợp tác.

Đại diện Tập đoàn TTI cho biết: Từ nay đến năm 2025, tập đoàn xây dựng chiến lược tìm kiếm 200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư ba nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sản phẩm cần cung ứng rất đa dạng, như: Mô-tơ, ốc vít, bo mạch, công-tắc, máy móc, gia công cơ khí, đúc nhôm…

Hiện, có 80 doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho Tập đoàn TTI, với khả năng đáp ứng chỉ 40% nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; phần còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Riêng Tập đoàn Samsung đặt ra mục tiêu tìm kiếm 250 nhà cung ứng, nhưng mới có chưa đến 100 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Công ty Điện Quang vừa muốn tìm nhà mua hàng, vừa tìm cơ hội hợp tác thu mua các loại linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất mới…

Những chia sẻ của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối tại hội nghị cho thấy nhu cầu rất lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước để thay thế dần sản phẩm nhập ngoại khi ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tham gia chương trình kết nối, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn được học hỏi các doanh nghiệp FDI về trình độ quản lý, sản xuất, tạo động lực để đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho biết: Để trở thành nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện, điện tử, công ty phải đổi mới hệ thống quản trị, dây chuyền sản xuất, kết hợp nâng cao đội ngũ nguồn nhân lực và đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư. Có như vậy, các sản phẩm mới đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Mục đích hội nghị không chỉ dừng lại kết nối, tìm kiếm đối tác tham gia chuỗi cung ứng mà nâng cao nhận thức, thấy rõ vai trò và tác động lan tỏa trong xã hội phải xây dựng, hình thành những nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, chắc chắn sẽ có đầu ra thị trường.

Điều này, tạo ra động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phải sản xuất các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sản phẩm xanh nhưng tạo ra giá trị lớn để vươn ra thị trường thế giới. Theo Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ, qua năm lần tổ chức, các kỳ hội nghị thu hút 96 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, kết nối 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp, có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

“Số lượng các nhà mua hàng, nhà bán hàng và các cuộc kết nối tăng dần qua từng năm cho thấy Hội nghị ngày càng có tầm ảnh hưởng và phát huy đúng vai trò kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp liên kết cùng phát triển hoạt động sản xuất. Tôi tin sự quyết tâm và kiên trì đến từ hai phía, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, doanh nghiệp FDI sẽ gặp nhau và hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ ■

Nguồn: https://nhandan.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *