Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu…

tltnghi.sct
07/03/23
0
553 lượt xem

Nhiều linh kiện, chi tiết phục vụ sản xuất, sản phẩm cơ khí chính xác đã làm ngạc nhiên khách tham quan tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” được tổ chức ngày 28-2 tại Khách sạn REX TP.HCM.

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 1.
Ông Đỗ Phước Tống (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm linh kiện, chi tiết phục vụ sản xuất “made in Vietnam” – Ảnh: HỮU HẠNH

Đích thân đứng ra giới thiệu những sản phẩm “mũi nhọn” tại triển lãm, ông Đỗ Phước Tống – chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM – làm ngạc nhiên hầu hết những khách tham quan vì những sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợ tinh xảo của doanh nghiệp Việt Nam chế tạo.

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 2.
Sản phẩm trưng bày tại triển lãm – Ảnh: HỮU HẠNH

Ngay khi ông Tống vừa giới thiệu về sản phẩm phôi thổi ống nhựa cho ra chai nhựa chính xác trong thời gian ngắn… thì có doanh nghiệp đến đặt vấn đề tìm hiểu cho nhu cầu sản xuất nước đóng chai sắp tới.

Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện rất tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng chưa được biết đến nhiều.

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 3.
Các sản phẩm của Vngroup – Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Đặng Huyền, phụ trách gian hàng của Công ty MTS Vietnam – cho biết công ty đem đến khoảng 50 sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, máy điện… để giới thiệu đến công chúng. Đây là những sản phẩm đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 4.
Linh kiện của Công ty Cát Vạn Lợi có nhiều chi tiết được đánh giá cao về mức độ chính xác – Ảnh: HỮU HẠNH

Công ty Cát Vạn Lợi giới thiệu các sản phẩm hàng đầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị phụ trợ ngành điện, với nhiều sản phẩm đã được lắp đặt trong các công trình lớn ở Việt Nam và xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Gian hàng của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cũng gây tò mò cho người tham quan vì những linh kiện nhỏ, tinh xảo hiện đại được sản xuất tại nhà máy của doanh nghiệp này trong Khu công nghệ cao TP.

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 5.
Điện Quang chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực chiếu sáng, thiết bị điện – Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Hồ Quỳnh Hưng – chủ tịch hội đồng quản trị Điện Quang – cho biết với mảng công nghiệp hỗ trợ, Điện Quang tham gia với hai vai trò là nhà cung cấp (Supplier) và cả nhà mua hàng (Buyer). Hiện Điện Quang đã và đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử và nhựa kỹ thuật, để mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Cũng theo ông Hưng, Điện Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy Chip LED, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM…

Tương tự, Công ty Cơ khí Duy Khanh cũng mang đến các sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp với các linh phụ kiện cho ngành động cơ ô tô cũng như các sản phẩm dân dụng…

Đừng tranh cãi về ốc vít nữa, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vào chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu... - Ảnh 6.
Chi tiết máy bằng công nghệ thiêu kết bột kim loại của Công ty Cơ khí Duy Khanh – Ảnh: HỮU HẠNH

Đừng bỏ chạy khi khách hàng ép giá!

Ông Phạm Văn Tài, tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải – Thaco cho rằng với các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, nhận những đơn hàng đầu tiên thì đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ, hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức cần phải vượt qua vì khi vượt qua rồi chúng ta sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.

Ông Phạm Văn Tài, tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải - Thaco - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Phạm Văn Tài, tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải – Thaco – Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Tài cho biết những đối tác lớn thường ép giá nhà sản xuất vì mục tiêu của họ là sản xuất số lượng lớn và mong có sự hợp tác lâu dài. Việc ép giá đôi lúc là để chúng ta có động lực tiếp tục cải tiến chuỗi sản xuất của mình, trong đó, có vấn đề quản trị.

Có khách hàng khi mua hàng thì đặt vấn đề với chúng tôi giá năm sau phải giảm ít nhất 20% so với năm trước. Nếu không giảm được thì họ sẽ chỉ cách giảm. Việc hợp lý hoá chuỗi sản xuất, cắt giảm chi phí, tránh lãng phí là bắt buộc phải làm.

“Nhưng điều này sẽ thách thức với doanh nghiệp nhỏ và họ phải tìm cách thức kết nối với những đối tác khác, tận dụng lợi thế của nhau để đáp ứng đơn hàng của khách. Quan trọng là nhà mua hàng hài lòng, thỏa mãn với các sản phẩm cung ứng của mình và họ sẽ mua lâu dài, tin cậy. Chúng tôi từng làm những đơn hàng huề vốn để có sự đồng hành lâu dài”, ông Tài chia sẻ.

Nguồn: https://tuoitre.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *