(VNF) – Ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam được nhận định mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.
88% doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, cho biết trong những năm gần đây, công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các ngành này vẫn còn một số điểm nghẽn then chốt chưa được khắc phục.
Đối với công nghiệp hỗ trợ, tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước. Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.
Bên cạnh đó, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam. Mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng “một quốc gia, hai nền kinh tế” (khu vực FDI và khu vực trong nước).
Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, cho biết năm 2022, có khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giầy sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành dệt – may, da – giày, doanh thu sản xuất, kinh doanh hơn 1 triệu tỷ đồng (đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo). Các doanh nghiệp tập trung phần lớn tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Ngành cơ khí và dệt may, da giày có số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn so với các ngành khác. Xét về quy mô, 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có 300 lao động trở xuống).
“Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ còn ít, trình độ chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp và lạc hậu so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Hào nói.
Ông Hào cũng cho biết, hiện nay một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí cao. Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu.
Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với tỷ trọng thấp vì vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các ngành này hạn chế…
Giải pháp nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ?
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết do chưa có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách về vốn vay, lãi suất ưu đãi, chính sách thuế… nên sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ đã được quy hoạch tổng thể nhưng việc quy hoạch lại chưa được thực hiện cho từng vùng, miền, địa phương, do đó việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp FDI muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin và cơ hội…
Ông Hào cho rằng cần có cách tiếp cận công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi của công nghiệp hỗ trợ bao gồm các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng như hiện nay dẫn đến các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước không đến được với các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phấn đấu có một số tập đoàn tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác phát triển theo…
Bà Phan Thị Ngọc Yểm, Tổng thư ký Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (VISA), cho rằng cần hoàn thiện chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. “Phát triển công nghiệp hạ nguồn cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Khi đó, thị trường công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp công hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng”, bà Yểm nói thêm.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó là tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên…
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/
Bài viết liên quan
Lấy ý kiến về kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố năm 2023
Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố...
Th12
Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp: Lực đẩy cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cải tiến năng...
Th11
Đẩy mạnh kết nối cung – cầu cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
(Chinhphu.vn) – Triển lãm quốc tế chuyên ngành ngũ kim và dụng cụ cầm tay...
Th11
Tạo luồng chính sách “thông thoáng” thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo các chuyên gia, đa số các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT)...
Th11
Trợ lực chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”
Nghị định 57 vừa được ban hành về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
Th11
Thông báo tuyển dụng viên chức của Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM năm 2023
Căn cứ Công văn số 6333/SCT-TCCB ngày 23 tháng 10 năm 2023 của Sở Công...
Th11