Từ những tháng cuối năm 2010, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (TTKC I) đã thực hiện đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân Hải Đường nhằm mục đích hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới. Vạn sự khởi đầu nan, trước khi tổ chức đào tạo nghề, cán bộ của TTKC I đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm và tìm nghề phù hợp cho người dân, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ cho việc đào tạo, tổ chức tuyên truyền cho người dân dưới mọi hình thức... Và chính những cán bộ của Trung tâm cũng phải 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng học nghề” với người dân Hải Đường để đảm bảo cho đề án được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Từ 270 triệu đồng nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ, sau 3 tháng, TTKC I đã tổ chức đào tạo thành công nghề may công nghiệp cho 300 lao động Hải Đường.
Thế nhưng, sau khi được đào tạo người dân Hải Đường sẽ làm gì và ở đâu, khi mà Hải Đường và các xã lân cận là xã thuần nông? Để giải quyết vấn đề này đồng thời tạo động lực cho người dân Hải Đường tham gia học nghề cải thiện cuộc sống, ngay từ khi bắt đầu triển khai đề án đào tạo, TTKC I đã đứng ra tìm và kêu gọi doanh nghiệp về xây dựng nhà máy may ngay tại Hải Đường. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Chuyên viên Phòng khuyến công thuộc TTKC I, đây là một việc cực kỳ khó, bởi Hải Đường là vùng thuần nông, hạ tầng cơ sở khó khăn, giao thông không thuận lợi… mà để có được một nhà máy may DN sẽ phải đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của cán bộ khuyến công và sự ủng hộ của UBND xã, hiện nhà máy may số 1 của Công ty CP đầu tư Hải Đường đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động.
Ông Văn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP đầu tư Hải Đường cho biết, tính đến nay nhà máy may số 1 đã hoạt động được 3 tháng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động ở Hải Đường, với mức thu nhập bình quân khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, với 8 dây chuyền sản xuất, công ty sẽ có doanh thu khoảng 36 tỷ đồng trong năm 2011. Và hiện nay, công ty cũng đang chuẩn bị san lấp mặt bằng để mở rộng thêm nhà máy.