Xuất khẩu thì sụt giảm, doanh nghiệp kêu lỗ, đó là những vấn đề còn tồn đọng được nêu lên tại hội nghị “Tổng kết niên vụ cà phê 2009/2010 và phương hướng công tác vụ cà phê 2010/2011” do Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại TP.HCM.
Theo báo cáo của Vicofa, sản lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2009/2010 ước đạt gần 1,2 triệu tấn (giảm 30.000 tấn so với vụ trước) đạt kim ngạch 1,66 tỷ USD. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết, sở dĩ có sự sụt giảm là do diễn biến thị trường cà phê thế giới trong thời gian qua gặp nhiều bất lợi, cụ thể là sự tác động của biến đổi khí hậu làm cho thu hoạch mùa vụ cà phê không được như mong muốn. Bên cạnh đó, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho giá cà phê xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng nguồn vốn để tái đầu tư cho việc mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng kêu lỗ do lỡ ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm với giá thấp (khoảng 1.200 USD/tấn), khi giá lên cao (khoảng 1.600USD/tấn) thì nhiều doanh nghiệp không còn hàng để bán. Cụ thể tháng 3/2010, Việt Nam xuất khẩu 121 ngàn tấn cà phê; tháng 4/2010 là 116 ngàn tấn… đến tháng 9 cuối vụ chỉ còn xuất chưa đến 58 ngàn tấn/tháng.
Xuất khẩu giá thấp cũng khiến nông dân trồng cà phê lỗ nặng vì giá trong nước giảm 22.000 đồng/kg thay vì 31.000- 32.000 đồng/tấn như hiện tại.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là thiếu nguồn vốn nên không thể mua cà phê dự trữ của nông dân. Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty CTA Việt Nam cho biết, hiện nay, 80% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn nên rất cần sự giúp sức từ phía ngân hàng.
Cũng theo ông Bình, chính việc ngân hàng chỉ cho vay trong ngắn hạn (khoảng 3 tháng), nên khi hết hạn vay, doanh nghiệp buộc phải bán tháo với giá thấp để trả nợ cho ngân hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, cho rằng, mặc dù hàng năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đều trên 1 tỷ USD, nhưng ngân hàng vẫn không “mặn mà” với các doanh nghiệp trong ngành cà phê, lý do là rất ít doanh nghiệp có lợi nhuận quá 3% trong tổng doanh thu.
Theo ông Lương Văn Tự, Vicofa vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê trong niên vụ 2010/2011 nhằm góp phần giữ giá mua của người dân khi thu hoạch, đồng thời dự trữ lượng hàng hóa để điều tiết giá xuất khẩu. “Do cà phê của Việt Nam chỉ thu hoạch trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng), trong khi xuất khẩu thì cả năm, vì vậy nếu không tạm trữ doanh nghiệp sẽ bán tháo trong thời gian ngắn làm cho giá bị giảm mạnh như niên vụ vừa qua”- Ông Tự nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay, đồng thời kéo dài thời gian vay để doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Biên, cần thiết phải thành lập một quỹ bảo hiểm cà phê xuất khẩu hay chương trình tạm trữ cà phê sẽ được đưa thành một chính sách chủ chốt trong chiến lược phát triển cà phê Việt Nam trong những năm tới.
Theo Báo Công Thương Điện Tử