Với chủ đề “Xanh hơn và Tốt hơn”, triển lãm ô tô Việt Nam 2010 - Vietnam Motor Show 2010- đã chính thức khai mạc ngày 29/10 và kéo dài đến ngày 2/11/2010, do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức.
Ra mắt nhiều công nghệ mới
Đây là cuộc triển lãm được mong chờ nhất trong năm của các DN sản xuất cũng như người tiêu dùng quan tâm đến lĩnh vực này nhằm phô diễn những công nghệ mới trong lĩnh vực ô tô hay tìm kiếm phản ứng của dư luận về một mẫu xe mới sắp đưa vào Việt Nam. Bên cạnh 11 tên tuổi trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô như Toyota, Mercedes-benz, Ford, Honda, Suzuki, GM Daewoo, Vinastar, Mekong, Samco, Hino, Vinaxuki mang đến hơn 80 mẫu xe trưng bày thì tại triển lãm còn có sự tham gia của hơn 100 đơn vị phụ tùng, các sản phẩm hỗ trợ, nội thất, âm thanh, ngân hàng và bảo hiểm.

Ảnh: Ngọc Quang
Nắm bắt được thị hiếu ưa chuộng các mẫu xe nhỏ của thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất như Ford, Mekong hay Suzuki đã giới thiệu tại triển lãm những mẫu xe nhỏ như Fiesta, Fiat 500, Alpha Romeo Giulietta hay Celerio được tích hợp các tính năng nổi trội từ công nghệ chế tạo xe của các hãng. Một trong những điểm nhấn của Vietnam Motor Show 2010 là việc trưng bày các sản phẩm và công nghệ mạnh mẽ mang xu hướng động cơ xe đua của một số tên tuổi lớn trong ngành chế tạo ô tô như Toyota với công nghệ xe đua đỉnh cao ứng dụng trong các dòng xe Yaris TRD và Fortuner TRD Sportivo II; Mercedes- Benz Việt Nam với mẫu xe C300 AMG hay chiếc SUV độc đáo GLK Deluxe 2010. Đặc biệt, nhiều mẫu xe “xanh” tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường cũng được giới thiệu như Prius hybrid của Toyota, C250 CGI của Mercedes- Benz, mẫu concept i-MiEV động cơ chạy điện của Vinastar, các mẫu xe sử dụng động cơ I- Vtec chuẩn mực của Honda như Civic, CRV hay những mẫu xe cỡ nhỏ, trung bình tiện ích và thân thiện môi trường còn có sự góp mặt của các mẫu xe tải trung bình và lớn của Hino, những mẫu xe bus mang thông điệp xanh của SAMCO và những mẫu xe tải nhỏ được thị trường trong nước tin dùng của Vinaxuki.
Với chủ đề “Công nghệ ngày mai cho cuộc sống hôm nay” Honda Việt Nam (HVN) gây ấn tượng mạnh tại triển lãm ô tô 2010 với công nghệ đột phá là thiết bị di chuyển cá nhân U3-X, đây được xem là công nghệ di chuyển linh hoạt của tương lai. Phương tiện di chuyển cá nhân này cho phép điều chỉnh sự chuyển động, tốc độ, sự đổi hướng và khi dừng người lái ngả phần thân trên để thay đổi hướng trọng lượng cơ thể. Bên cạnh đó, HVN còn chính thức giới thiệu mẫu xe Accord 3.5L hoàn toàn mới, được nhập khẩu nguyên chiếc và chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2011.
Toyota Việt Nam cũng đã giới thiệu các sản phẩm hiện đang được khách hàng Việt Nam ưa chuộng như Camry Hybrid, Innova G Luxury và chiếc xe mới ra mắt gần đây là Corolla Altis mới 2010 – tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, 2 mẫu xe trưng bày chính của gian hàng Toyota năm nay là Fortuner TRD (xe sản xuất tại Việt Nam) và Yaris TRD (nhập khẩu nguyên chiếc).
Băn khoăn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Mặc dù có nhiều mẫu xe và công nghệ mới được phô diễn lần này nhưng Vietnam Motor Show 2010 lại thiếu vắng đi những buổi tọa đàm, hội thảo về định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước vốn thường có trong các lần triển lãm trước đó. Nhiều DN và lãnh đạo các bộ ngành khi tham gia triển lãm đều có chung những băn khoăn cho một tương lai lâu dài của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Ông Akito Tachibana, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: “Chính phủ cần phải có chính sách rõ ràng và ổn định để phát triển thị trường ô tô và công nghiệp ô tô trong trung và dài hạn. Tập trung phát triển dòng xe chiến lược theo đề xuất của Bộ Công Thương là một trong những phương sách và kế hoạch để tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Quãng thời gian đến năm 2018, khi Việt Nam mở cửa thị trường ô tô, tập trung phát triển dòng xe chiến lược để xây dựng công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ là chiến lược hợp lý cho Việt Nam. Nếu tiếp tục trăm hoa đua nở như hiện nay thì sẽ khó đạt đủ quy mô kinh tế để phát triển công nghiệp ô tô trước năm 2018”.
Mối lo lắng của vị chủ tịch VAMA không phải không có cơ sở khi hầu hết gian hàng của các thành viên hiệp hội tham gia triển lãm lần này là những thương hiệu ngoại, một trong những thương hiệu “thuần Việt” là Vinaxuki nằm khá khiêm tốn của một góc triển lãm với 2 mẫu xe đang dự định sản xuất tại Việt Nam và các chi tiết của bộ khuôn phục vụ cho việc dập thân, vỏ ô tô du lich, do chính công ty sản xuất ở nhà máy ô tô Xuân Kiên - Mê Linh.
Không có vẻ hào nhoáng như những gian hàng khác nhưng những chi tiết và linh kiện được trưng bày tại đây sẽ giúp khách tham quan hình dung được phần nào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước và những khó khăn mà DN ô tô nội địa phải vượt qua. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki chia sẻ rất chân thành: “Ngay từ khi bắt tay sản xuất ô tô năm 2004 chúng tôi đã định hướng kế hoạch nội địa hóa trong vòng 10 năm theo từng giai đoạn cụ thể: nội thùng xe, chassis (khung xe) 100%, ca bin xe tải 100%, thân vỏ xe con, động cơ và cuối cùng là đầu tư công nghệ cao”. Để hoàn thành mục tiêu này, Vinaxuki đã đầu tư nhà máy tại Thanh Hóa, Thái Nguyên và Mê Linh.
Theo kế hoạch, năm 2011, Vinaxuki sẽ có 5 model xe tải được sử dụng cabin do chính công ty thiết kế chế tạo với kiểu dáng hiện đại nhất, độ bền đảm bảo trên 15 năm; từ năm 2013, DN sẽ nghiên cứu chế tạo các loại cabin xe tải các loại trên 10 tấn. Vinaxuki cũng đã đặt ra kế hoạch trong 5 năm từ 2010-2015 hoàn thành 3 thân vỏ xe con lắp cho các xe có dung tích từ 1.1 đến 2.5 kể cả phần nội thất và ngoại thất. Với phần nội địa hóa động cơ, đến cuối năm 2014, Vinaxuki có thể nội địa hóa 60-70% với xe tải và 50-60% với xe con cho 10 mẫu xe. Ông Huyên cho biết, mỗi bộ khuôn dập cabin xe tải nếu mua ngoài phải trả từ 3-7 triệu USD, nếu tự chế tạo giảm 20-30% còn 2-4 triệu USD. Tùy giá trị mỗi bộ khuôn xe con giá nhập ngoại từ 14-25 triệu USD còn tự chế tạo chỉ từ 10-16 triệu USD và nhất là không phải dùng ngoại tệ, góp phần vào kiềm chế nhập siêu cũng như tạo việc làm cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang bày tỏ: Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự kiến vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới, với dân số đông và trẻ, sẽ là thị trường tiềm năng lớn của ngành công nghiệp ô tô, chưa nói đến việc xuất khẩu sang thị trường khu vực và thế giới thông qua tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy Việt Nam rất cần phát triển ngành công nghiệp ô tô của mình nếu không muốn bỏ trống thị trường này cho các nhà sản xuất nước ngoài và xe nhập khẩu, nhất là khi chúng ta đã có những cơ sở ban đầu của ngành này. Hiện Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chúng tôi hy vọng sẽ tìm được hướng đi đúng. Theo tôi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải chọn được dòng xe chiến lược để Nhà nước có chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả.
Theo Báo Công Thương Điện Tử